Những thách thức khác cho ngành thủy sản và chăn nuôi phải đối mặt

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại… gây phát sinh tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi.

Bên cạnh đó, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh về giá, chất lượng và đa dạng sản phẩm sẽ tăng lên khi sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giống, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi; đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành chăn nuôi, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi…

Cũng như ngành chăn nuôi, ngành thủy sản cũng phải đối mặt với khó khăn khi hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới.

Tuy vậy, năm 2021, thủy sản vẫn giữ ổn định mục tiêu 1,3 triệu ha nuôi trồng thủy sản nhưng sản lượng đạt 4,75 triệu tấn (khai thác 3,85 triệu tấn) xuất khẩu đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD trong năm 2021.

Ông Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng.

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ và các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp công nghệ, tìm nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để chủ động sản xuất. Đây là bước đi lâu dài, “gỡ” bài toán về thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *